Bộ Y tế đã quy định rằng, để chăm sóc sức khỏe cho người lao động thì cơ sở sản xuất, kinh doanh cần trang bị túi sơ cấp cứu. Đây là vật dụng có nhiều công năng, nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra thì có thể sơ cứu kịp thời. Trường hợp doanh nghiệp có từ 51 đến 150 người thì cần trang bị túi sơ cứu loại C. Biết được túi sơ cứu loại C gồm những gì sẽ giúp bạn chuẩn bị đầy đủ.
Túi sơ cứu y tế là gì?
Túi cấp cứu y tế là dạng túi có chứa các dụng cụ, sản phẩm y tế nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe y tế cho con người, dự phòng sự cố khẩn cấp xảy ra thì có thể sơ cứu ngay lập tức.
Trong Thông Tư 19/2016 Bộ y tế (Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế), các đơn vị sản xuất, kinh doanh, văn phòng cần phải trang bị túi sơ cứu để chăm sóc sức khỏe của người lao động.
Trong công việc, lao động hàng ngày, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra sự cố hoặc tai nạn không mong muốn. Bên cạnh đó, nhân viên có thể gặp một số vấn đề về cơ thể như đau bụng, dị ứng, cảm cúm…Do vậy, sở hữu một chiếc túi sơ cứu là điều đặc biệt quan trọng.
Trong nhiều trường hợp, việc sơ cứu là cách thức hữu hiệu giúp giảm thiểu di chứng, biến chứng cho người bị nạn trong thời gian đợi đội ngũ y bác sĩ đến. Nếu có sẵn túi sơ cứu, người xung quanh sẽ sử dụng các dụng cụ y tế bên trong để sơ cứu cho bệnh nhân một cách nhanh chóng, chẳng hạn như rửa sạch vết thương, cầm máu, băng bó, nẹp cố định, dán vết xước…
Các loại túi sơ cấp cứu
Để dễ nhận diện và sử dụng, túi sơ cứu được thiết kế màu đỏ hoặc màu đen, có ký hiệu chữ thập nổi bật. Có 3 loại túi sơ cấp cứu phù hợp với số lượng người lao động tại cơ sở kinh doanh, sản xuất, văn phòng, công ty. Cụ thể như sau:
- ≤ 25 người lao động: Có ít nhất 1 túi sơ cứu loại A.
- Từ 26 – 50 người lao động: Có ít nhất 1 túi sơ cứu loại B.
- Từ 51 – 150 người lao động: Có ít nhất 1 túi sơ cứu loại C.
Lưu ý: 1 chiếc túi sơ cứu loại B tương đương với 2 chiếc túi sơ cứu loại A. 1 chiếc túi sơ cứu loại C tương đương với 2 chiếc túi loại B.
Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã có yêu cầu chung về túi sơ cứu như sau:
- Cần trang bị số lượng túi sơ cứu phù hợp với quy mô công ty.
- Mỗi tầng nhà, mặt bằng, bộ phận làm việc cơ động phải được bố trí ít nhất 1 túi sơ cứu phù hợp.
- Các túi sơ cứu cần trang bị đủ số lượng dụng cụ cần thiết, không được dùng túi để chứa những vật dụng khác.
Túi sơ cứu loại C gồm những gì?
Như vậy, doanh nghiệp cần trang bị ít nhất 1 chiếc túi loại C nếu quy mô khu vực làm việc từ 51 đến 150 lao động. Túi sơ cứu loại C gồm những gì? Các vật dụng bao gồm:
- Băng dính: 4 cuộn.
- Băng cuộn: Có 3 loại kích thước băng cuộn khác nhau với số lượng khác nhau bắt buộc phải có trong túi sơ cấp cứu loại C, đó là băng cuộn kích thước 5 x 200cm (6 cuộn), 10 x 200cm (6 cuộn) và 15 x 200cm (4 cuộn).
- Băng tam giác: Trong danh mục túi sơ cứu loại C, băng tam giác yêu cầu 6 cái.
- Băng chun: 6 cái.
- Gạc thấm nước: 4 gói (10 miếng/gói).
- Bông hút nước: 10 gói.
- Dây Garo cao su: Có 2 loại đó là dây Garo cao su cỡ 6 x 100cm (4 cái) và cỡ 4 x 100cm (4 cái).
- Kéo cắt băng: 1 cái.
- Panh không mấu: Túi sơ cứu loại C quy định 2 loại Panh không mấu, đó là Panh không mấu thẳng 16 – 18cm (2 cái) và Panh không mấu cong 16 – 18cm (2 cái).
- Găng tay y tế: 20 đôi.
- Mặt nạ phòng độc: 2 cái.
- Nước muối sinh lý NaCl 9‰: 6 lọ, loại 500ml.
- Dung dịch sát khuẩn: Cồn 70° (2 chai) và dung dịch Povidone (2 chai, loại 100ml).
- Kim băng an toàn (các cỡ): 30 cái.
- Tấm lót nilon không thấm nước: 6 cái.
- Phác đồ sơ cứu: 1.
- Kính bảo vệ mắt: 6 cái.
- Mẫu phiếu ghi danh mục trang thiết bị có trong túi: 1 tờ.
- Các loại nẹp: Nẹp cổ (2 cái), nẹp cánh tay (1 bộ), nẹp cẳng tay (1 bộ), nẹp đùi (2 bộ) và nẹp cẳng chân (2 bộ).
Lưu ý: Nhân viên y tế cần thường xuyên kiểm tra túi sơ cứu loại C để đảm bảo số lượng và các thiết bị y tế luôn đầy đủ.
Tiêu chí cần lưu ý khi bố trí túi sơ cứu loại C
Khi bố trí túi sơ cứu loại C tại nơi làm việc, bạn cần lưu ý:
- Đặt túi ở nơi dễ nhìn, dễ lấy và dễ dàng sử dụng.
- Đánh dấu rõ ràng với ký hiệu chữ thập đỏ trên nền trắng để dễ nhận diện trong trường hợp khẩn cấp.
- Cần định kỳ kiểm tra tối thiểu 1 lần mỗi tháng bởi nhân viên y tế/ nhân viên sơ cấp cứu hoặc nhân viên được phân công. Điều này giúp đảm bảo dụng cụ sơ cấp và thuốc luôn ở trạng thái sạch sẽ, đầy đủ, sẵn sàng được sử dụng bất cứ lúc nào. Quá trình kiểm tra sẽ căn cứ theo biểu mẫu kiểm tra dụng cụ sơ cứu và thuốc do doanh nghiệp tự chuẩn bị.
- Trường hợp bị tai nạn, chấn thương cần dùng túi thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu khác hoặc cần đến cơ sở y tế điều trị thì nhân viên sơ cứu/ nhân viên y tế có trách nhiệm ghi nhận, thống kê vào hồ sơ cấp cứu tai nạn lao động.
- Trường hợp túi sơ cứu loại C hoặc dụng cụ sơ cứu khác bị hao hụt trong quá trình sử dụng, nhân viên y tế/ nhân viên quản lý túi cần thực hiện quy trình liên quan nhằm mua bổ sung thêm số lượng hao hụt.
- Chỉ dùng túi với mục đích chứa đựng dụng cụ sơ cứu.
- Không được lưu trữ thuốc tây không kê toa trong túi sơ cấp cứu. Các loại thuốc này phải được nhân viên y tế hoặc nhân viên được bổ nhiệm có đủ năng lực quản lý lưu giữ và cấp phát.
Trong lao động và sinh hoạt thường ngày, bạn có thể gặp phải một số tai nạn hoặc tình trạng sức khỏe không tốt. Một chiếc túi cứu thương là điều vô cùng quan trọng trong những tình huống này. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc túi sơ cứu loại C gồm những gì để trang bị đầy đủ. Việc sơ cứu kịp thời, đúng cách quyết định mức độ thành công của quá trình chữa trị sau này. Do đó, bạn hãy lưu ý chuẩn bị đầy đủ nhé!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.